Giới thiệu chung
Địa lý: Thị trấn Năm Căn nằm trung tâm huyện Năm Căn, có vị trí địa lý:
Phía đông giáp xã Hàng Vịnh
Phía tây giáp xã Đất Mới
Phía nam giáp huyện Ngọc Hiển với ranh giới là sông Cửa Lớn
Phía bắc giáp các xã Đất Mới và xã Hàm Rồng
Thị trấn Năm Căn là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện, có diện tích tự nhiên là 2.707,91ha, được chia thành 12 khóm với 4.654 hộ dân, 16.517 khẩu.
Hành chính: Thị trấn Năm Căn được chia thành 12 khóm: Khóm 1, khóm 2, khóm 3, khóm 4, khóm 5, khóm 6, khóm 7, khóm 8, khóm Tắc Năm Căn, khóm Cái Nai, khóm Sa Phô, khóm Hàng Vịnh.
Lịch sử:
Sau năm 1975, Năm Căn là một xã thuộc huyện Năm Căn.
Ngày 25 tháng 7 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 275-CP về việc chia xã Năm Căn thành hai xã và một thị trấn lấy tên là xã Hàm Rồng, xã Đất Mới và thị trấn Năm Căn.
Ngày 17 tháng 12 năm 1984, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 168-HĐBT về việc đổi tên huyện Năm Căn thành huyện Ngọc Hiển và thị trấn Năm Căn trở thành huyện lỵ của huyện Ngọc Hiển.
Ngày 14 tháng 2 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 33B-HĐBT về việc:
- Giải thể thị trấn Năm Căn. Thành lập xã Hàng Vịnh trên cơ sở diện tích và dân số của thị trấn Năm Căn cũ
- Chia xã Đất Mới thành hai đơn vị hành chính lấy tên là xã Đất Mới và thị trấn Năm Căn (thị trấn huyện lỵ huyện Ngọc Hiển).
- Thị trấn Năm Căn có 1.200 hécta đất với 2.497 nhân khẩu.
Ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc chia tỉnh Minh Hải thành hai tỉnh là tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau. Khi đó, thị trấn Năm Căn thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Ngày 17 tháng 11 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định 138/2003/NĐ-CP về việc chuyển thị trấn Năm Căn thuộc huyện Ngọc Hiển về huyện Năm Căn mới thành lập quản lý và thị trấn Năm Căn trở thành huyện lỵ của huyện Năm Căn.
Ngày 20 tháng 12 năm 2012, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 1150/QĐ-BXD về việc công nhận thị trấn Năm Căn là đô thị loại IV.