Trước tình hình nuôi tôm quảng canh truyền
thống gặp nhiều rủi ro, ngành nông nghiệp huyện Năm Căn đã phối hợp với các địa
phương tuyên truyền vận động người dân, đồng thời hướng dẫn chuyển đổi hình
thức nuôi, từ đó, góp phần tăng sản lượng. Qua thống kê, toàn huyện có 661,63
ha/469 hộ nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, (tăng 110,06 ha so với cùng
kỳ) đạt 132,33% kế hoạch năm 2023; 14.070 ha/4.395 hộ nuôi tôm quảng canh
cải tiến (tăng 550 hộ so với cùng kỳ), đạt 100,50% kế hoạch. Đặc biệt, tôm
nuôi ở Năm Căn đã được nhiều tổ chức cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn xuất khẩu,
đặc biệt là tôm sú sinh thái (tôm - rừng) đã được chứng nhận và được nhiều thị
trường ưa chuộng.
Yếu tố con giống quyết
định sự thành bại cho các hộ nuôi tôm. Hiện nay, toàn huyện có 108 cơ sở sản
xuất tôm, năm 2023 ước xuất trại đạt 3,75 tỷ con giống (Trong ảnh: Tỉnh ủy
viên, Bí thư Huyện ủy Năm Căn Lượng Trọng Quyền (thứ hai bìa phải) tham quan
Trại sản xuất tôm giống khóm Sa Phô, thị trấn Năm Căn)
Ông Lê Văn Sin, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện
Năm Căn thông tin, diện tích nuôi trồng thuỷ sản của huyện khoảng 25,676 ha,
với nhiều loại hình nuôi mang lại hiệu quả như: Nuôi tôm quảng canh cải tiến,
nuôi tôm quảng canh, tôm sinh thái, tôm thâm canh, siêu thâm canh, bên cạnh đó,
có các mô hình nuôi: tôm - cua, tôm - sò huyết, tôm - vọp, kết hợp nuôi các
loại cá nước mặn,... đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân. Năm
2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 41.900 tấn (tăng 2,55% so cùng kỳ), đạt
100,24% kế hoạch năm, trong đó, sản lượng tôm 18.208 tấn.
Ngoài ra, để nâng cao năng suất nuôi trồng
thuỷ sản, năm qua, các cấp, các ngành tăng cường công tác chỉ đạo về sản xuất;
các ngành chuyên môn của tỉnh, huyện đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo
chuyên đề, đồng thời triển khai các dự án, mô hình thí điểm về sản xuất trên
địa bàn để nhân rộng. Bên cạnh đó, định kỳ lấy mẫu kiểm định về môi trường nước
và hướng dẫn khung lịch mùa vụ thả giống nuôi trồng thuỷ sản, thông báo khuyến
cáo các biện pháp phòng ngừa, hạn chế thiệt hại khi nuôi tôm, cua trên địa bàn
huyện Năm Căn.
“Trong năm 2023, Huyện ủy, UBND huyện thành
lập nhiều đoàn đi thực tế các xã, thị trấn, đến từng hộ dân gặp gở, trao đổi,
năm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con để có chính sách hỗ trợ kịp thời”, ông Lê
Văn Sin, chia sẻ.
Đoàn công tác Bí thư
Huyện ủy Năm Căn Lượng Trọng Quyền gặp gở, trao đổi, nắm bắt tình hình sản xuất
của người dân, vào tháng 11/2023
Trong khi đó, Hội Nông dân huyện Năm Căn luôn
xác định, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Năm Căn lần thứ XII, trong đó, tiếp
tục xác định nông nghiệp thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung phát
triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Do đó, ngoài công tác tuyên
truyền vận động, Hội đã tận dụng tối đa các nguồn lực hỗ trợ hội viên phát
triển kinh tế, nhất là phát triển các mô hình nuôi thủy sản phù hợp với thổ
nhưỡng. Thông qua các mô hình, dự án kinh tế, đến nay các cấp hội đã đầu tư xây
dựng 25 dự án Quỹ hỗ trợ nông dân, với số tiền 2,3 tỷ đồng, cho gần 200 hội
viên vay; vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho trên 3.000 hội
viên vay, tổng dư nợ 115,366 tỷ đồng.
“Năm qua, Hội Nông dân huyện đã lãnh đạo, chỉ
đạo thực hiện khá tốt việc hỗ trợ cho hội viên nông dân trong xây dựng các mô
hình kinh tế tập thể có hiệu quả để phát triển, nhân rộng thông qua các cuộc
hội nghị, hội thảo, các cuộc họp chi, tổ hội. Phối hợp với Phòng NN&PTNT
huyện tổ chức 15 cuộc hội nghị, hội thảo, có trên 700 lượt người tham gia, 39
lớp tập huấn, tư vấn kỹ thuật, với khoảng 1.420 lượt người tham dự; thực
hiện 07 dự án, với quy mô 174,6 ha/55 hộ; 06 mô hình, dự án, với quy mô
104,3ha/45 hộ tham gia”, ông Đặng Thùy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Năm
Căn, cho biết thêm.
Còn anh Lê Hữu Nhiệm (ấp Lung Đước, xã Tam
Giang) thành công với mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước. Anh
Nhiệm cho biết, với diện tích 6,2 ha đất thủy sản của gia đình, với hình thức
canh tác nuôi tôm truyền thống hiệu quả không cao. Nguyên nhân chủ yếu là thả
tôm đại chà, không kiểm soát về mật độ và chất lượng, chưa áp dụng tiến bộ khoa
học - kỹ thuật, ngoài ra, việc kiểm tra, theo dõi tôm nuôi hoặc các yếu tố về
môi trường không thường xuyên nên năng suất đạt không cao.
Anh Lê Hữu Nhiệm,
thành công với mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước
Từ thực tế trên, anh đã tìm tòi, đúc kết kinh
nghiệm qua các mô hình khuyến nông, các lớp tập huấn kỹ thuật và học hỏi sách,
báo, từ đó, đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay
nước. Ưu điểm của mô hình này là con giống thả có kiểm soát về mật độ, số lần
thả và được gièo trước khi cho ra vuông lớn nên tăng tỷ lệ sống. Bên cạnh đó,
là sử dụng men, phân sinh học và không thay nước thường xuyên, từ đó môi trường
ổn định, tạo thức ăn tự nhiên, giúp tôm mau lớn và ít bệnh, đặc biệt sản lượng
thu hoạch tăng từ 30- 40% so với cách nuôi truyền thống.
“Đây là hình thức nuôi hiệu quả và phù hợp với
điều kiện thực tế sản xuất của địa phương, chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả
có thể tăng 1,5 lần so với nuôi truyền thống, kỹ thuật nuôi đơn giản, dễ áp
dụng, bên cạnh đó, có thể tận dụng diện tích nuôi cua kết hợp để tăng hiệu quả
trên cùng diện tích. Năm 2023, trừ chi phí thu nhập từ tôm, cua của gia đình
trên 200 triệu đồng và hiện nay đang gắn hệ thống lồng nuôi cua cốm để tăng thu
nhập”, anh Lê Hữu Nhiệm, chia sẻ.
Anh Lê Hữu Nhiệm tận
dụng diện tích nuôi tôm gắn hệ thống lồng nuôi cua cốm để tăng thu nhập
Về định hướng năm 2024, ông Lê Văn Sin thông
tin, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất thuỷ sản, phấn đấu
tổng sản lượng đạt trên 43.400 tấn, trong đó sản lượng tôm 20.600 tấn. Theo đó,
ngành nông nghiệp huyện chú trọng phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến và
tôm - rừng; chỉ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ở những nơi có điều kiện gắn
với mục đích sử dụng đất và kiểm soát dịch bệnh. Phát triển nuôi tôm quảng canh
cải tiến trên diện rộng gắn với xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng
tốt nguyên liệu cho xuất khẩu. Phát triển nuôi tôm - rừng gắn với sinh thái ở
khu vực rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn
chuyển giao khoa học - kỹ thuật các loại hình nuôi phù hợp với tình hình thực
tế; xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình nuôi tôm; tổ chức hội thảo và
nhân rộng các mô hình hiệu quả.